Kiểm định Paired-Sample T Test trong SPSS

1. Khái niệm

Nếu muốn so sánh hai trị trung bình của 2 nhóm tổng thể riêng biệt có đặc điểm là mỗi phần tử quan sát trong tổng thể này có sự tương đồng theo cặp với một phần tử ở tổng thể bên kia ta thực hiện phép kiểm định giả thuyết về sự bằng nhau của 2 trung bình tổng thể dựa trên dữ liệu mẫu rút ra từ 2 tổng thể theo cách phối hợp từng cặp: Paired-Sample T-Test.
2. Khi nào sử dụng Paired-Sample T-Test
Phương pháp kiểm định này rất thích hợp với dạng thử nghiệm trước và sau. Các ví dụ cụ thể:
  • Trung tâm Tiếng Anh kiểm tra điểm 4 kỹ năng Nghe Nói Đọc Viết của một nhóm học viên trong lần kiểm tra chất lượng đầu vào so với thời điểm 3 tháng sau khi áp dụng phương pháp học mới tại trung tâm. Mục đích của việc này nhắm đánh giá tính hiệu quả của phương pháp học mới.
  • Công ty thử nghiệm chính sách chia hoa hồng mới cho một nhóm nhân viên bán hàng để xem sự khác biệt sự hài lòng của nhân viên đối với chính sách cũ và chính sách mới.
  • Công ty thử nghiệm việc thay đổi bao bì sản phẩm mới để xem phản ứng của một nhóm người dùng trước và sau thay đổi có sự khác biệt như thế nào.

3. Điều kiện áp dụng

Điều kiện để áp dụng Paired-Samples T-Test là kích cỡ 2 mẫu so sánh phải bằng nhau và chênh lệch giữa các giá trị của 2 mẫu phải có phân phối chuẩn hoặc cỡ mẫu phải đủ lớn để xem như xấp xỉ phân phối chuẩn.

Dữ liệu của mẫu thu thập ở dạng thang đo định lượng Ordinal hoặc Scale. Quá trình kiểm định sẽ bắt đầu với việc tính toán chênh lệch giá trị trên từng cặp quan sát bằng phép trừ sau đó kiểm nghiệm xem chênh lệch trung bình của tổng thể có = 0 không, nếu = 0 tức là không có khác biệt. Lợi thế của phép kiểm định mẫu phối hợp từng cặp là loại trừ được những yếu tố tác động bên ngoài vào nhóm thử.

4. Lý thuyết kiểm định Paired-Samples T-Test

Các bước khi thực hiện phân tích Paired-Samples T-Test bao gồm:
  • Bước 1: Đặt giả thuyết Ho: “Không có sự khác nhau về trị hai trung bình tổng thể”, tức là khác biệt giữa 2 trung bình là bằng 0.
  • Bước 2: Thực hiện kiểm định Paired-Samples T-Test .
  • Bước 3: So sánh giá trị sig của kiểm định t được xác định ở bước 2 với 0.05 (mức ý nghĩa 5% = 0.05 | độ tin cậy 95%)
    • Nếu sig > 0.05 thì ta chấp nhận giả thuyết Ho. Nghĩa là trung bình 2 tổng thể là bằng nhau, không có sự khác biệt.
    • Nếu sig < 0.05 thì ta bác bỏ giả thuyết Ho. Nghĩa là có khác biệt trung bình 2 tổng thể.

5. Kiểm định Paired-Samples T-Test trong SPSS

Tình huống: Công ty muốn kiểm tra mức độ hài lòng của 250 nhân viên bán hàng của công ty về sự thay đổi của chính sách phân chia hoa hồng trước và sau. Thang đo mức độ hài lòng là 10 điểm tối đa và 1 điểm tối thiểu, càng hài lòng cho điểm càng cao.

  • Cuộc khảo sát lần 1 (trước khi áp dụng chính sách mới) tiến hành ngày 01/03/2018 trên toàn bộ 250 nhân viên thu về 250 kết quả.
  • Cuộc khảo sát lần 2 (sau khi áp dụng chính sách mới) tiến hành ngày 01/06/2018 trên cùng 250 nhân viên cũ thu về 250 kết quả.

Sau khi thu thập phiếu khảo sát về, mã hóa và nhập liệu, ta có file data bên dưới. Cột NhanVien là số thứ tự 250 nhân viên tham gia khảo sát. Cột KhaoSat1 và KhaoSat2 lần lượt là kết quả 2 lần khảo sát.

Thực hiện kiểm định Paired-Samples T Test bằng cách vào Analyze > Compare Means > Paired-Samples T Test.

Xuất hiện hộp thoại Paired-Samples T Test, đưa 2 biến muốn kiểm định trị trung bình vào khung Paired Variables.

Tại tùy chọn Options, mặc định phần mềm chọn độ tin cậy là 95% (tương ứng mức ý nghĩa 5%). Nếu bạn thực hiện kiểm định với độ tin cậy khác 93%, 97%, 99%,… hãy thay đổi con số ở đây. Sau khi đã nhập độ tin cậy, chọn Continue, quay lại cửa sổ ban dầu, chọn OK.

Kết quả Output sẽ có 3 bảng. Bảng cần quan tâm đầu tiên là Paired Samples Test. Chúng ta cần chú ý đến giá trị sig kiểm định t ở cuối bảng. Giá trị sig = 0.000 < 0.05, ta bác bỏ giả thuyết Ho. Như vậy, có sự khác biệt trung bình mức điểm đánh giá sự hài lòng của nhân viên giữa 2 lần khảo sát.

Bảng tiếp theo là Paired Samples Statistics cho ta thấy sự khác biệt trung bình cụ thể như thế nào. Cột Mean trong bảng thể hiện trung bình mức điểm đánh giá của 2 lần khảo sát. Có thể thấy được rằng, ở lần khảo sát 2, nhân viên hài lòng hơn về chính sách phân chia hoa hồng. Lần 2 điểm trung bình đánh giá là 6.17 cao hơn 5.48 là điểm trung bình của lần 1.

(Nếu lấy Mean lần 1 làm phép trừ cho Mean lần 2 sẽ là 5.48 – 6.417 = -0.69 chính là mức chênh lệch Mean màu xanh -0.688 ở bảng Paired Samples Test)

Tới đây, chúng ta đã có thể kết luận rằng: Có sự khác biệt sự hài lòng của nhân viên đối với việc áp dụng chính sách phân chia hoa hồng mới. Việc áp dụng chính sách mới làm nhân viên hài lòng hơn chính sách cũ.

Bảng cuối cùng là Paired Sample Correlations. Bảng này cho biết có mối tương quan về dữ liệu giữa 2 lần khảo sát hay không. Việc tương quan hay không tương quan của dữ liệu ở 2 lần khảo sát không có mối quan hệ nhân quả với kết quả kiểm định Paired Sample T-Test.

Giá trị sig < 0.05 nghĩa là dữ liệu có tương quan. Nếu sig > 0.05, dữ liệu 2 lần khảo sát không có sự tương quan với nhau.