Chọn lựa một thang đo

Việc chọn lựa và xây dựng một thang đo đòi hỏi phải xem xét đến các yếu tố ảnh hưởng đến tính hợp lệ, tính tin cậy, và tính thực tế của thang đo. Các yếu tố này là:

  • Mục tiêu nghiên cứu
  • Các kiểu trả lời
  • Tính chất của dữ liệu
  • Số lượng chiều kích (dimensions)
  • Cân xứng hay bất cân xứng
  • Chọn lựa bắt buộc / không bắt buộc
  • Số lượng điểm đo
  • Sai số do người đánh giá gây ra

1. Mục tiêu nghiên cứu

Nhà nghiên cứu phải đối mặt với hai dạng mục tiêu nghiên cứu liên quan đến việc lập thang đo:

  • Mục tiêu nhằm đo lường các đặc điểm của người tham gia vào nghiên cứu dưới góc độ là người trả lời phỏng vấn.
  • Mục tiêu nhằm yêu cầu người tham gia để đánh giá một đối tượng nào đó.

Thông thường, trong nghiên cứu kinh tế, chúng ta thường kết hợp cả hai mục tiêu này vào trong một cuộc nghiên cứu. Nhà nghiên cứu thường đặt ra các thang đo để ghi nhận các đặc điểm cá nhân hoặc của gia đình, tầng lớp xã hội, v.v của người tham gia vào nghiên cứu, và cũng đồng thời, hỏi họ các ý kiến đánh giá về các đối tượng nghiên cứu mà nhà nghiên cứu quan tâm.

2. Các kiểu trả lời

Các thang đo   thường rơi vào một trong bốn kiểu phổ biến  sau: cho diểm, xếp  hạng, phân loại và sắp xếp thứ tự.

Thang đo cho điểm (rating scale) là loại thang đo mà người tham gia sẽ cho điểm một đối tượng hoặc một chỉ tiêu nào đó mà không cần phải so sánh trực tiếp với một đối tượng khác.

Thang đo xếp hạng (Ranking scale) đòi hỏi người tham gia phải so sánh và quyết định trật tự thứ bậc giữa hai hoặc nhiều hơn các tính chất (hoặc các chỉ tiêu) hoặc các đối tượng.

Thang đo phân loại (Categorization) yêu cầu người tham gia phải tự phân loại chính họ hoặc các chỉ tiêu, các tính chất vào các nhóm, các loại khác nhau.

Thang đo sắp xếp thứ tự (Sorting) yêu cầu người tham gia sắp xếp các thẻ (đại diện cho các khái niệm nào đó) thành những nhóm khác nhau áp dụng các nguyên tắc phân loại do nhà nghiên cứu đưa ra.

3. Tính chất của dữ liệu

Khi quyết định sử dụng thang đo nào, nhà nghiên cứu thường xem xét đến các tính chất của dữ liệu có thể có được theo từng loại thang đo: danh nghĩa, thứ bậc, khoảng cách và tỷ số.

4. Số lượng chiều kích

Thang   đo   có   thể    hoặc là   đơn   chiều   (uni-dimensional) hoặc   đa   chiều   (multi­dimensional).

  • Với một thang đo đơn chiều, người ta tìm cách đo lường chỉ một thuộc tính nào đó của người tham gia hoặc đối tượng nghiên cứu.
  • Với một thang đo đa chiều, người ta mong muốn mô tả kỹ lưỡng hơn một đối tượng nào đó với nhiều chiều khác nhau hơn là chỉ một chiều duy nhất.

5. Cân xứng hoặc bất cân xứng

Một thang đo cho điểm cân xứng có số lượng các hạng mục phân hạng bằng nhau về phía trên hoặc phía dưới của điểm giữa. Nói chung, thang đo cho điểm nên cân xứng, một một số lượng cân bằng các cơ hội chọn lựa mang tính ưa thích hay không ưa thích.

Ví dụ: rất tốt – tốt – trung bình – tệ – rất tệ

Một thang đo cho diểm bất cân xứng có số lượng các cơ hội chọn lựa không cân bằng với nhau.

Ví dụ: Tệ – khá – tốt – rất tốt – tuyệt vời

Thông thường, chúng ta chỉ áp dụng thang đo cho điểm bất cân xứng khi chúng ta biết trước là hầu hết người đánh giá sẽ thiên về một hướng này hoặc hướng khác.

6. Bắt buộc hay không bắt buộc

Một thang đo cho điểm không bắt buộc luôn cho người trả lời một cơ hội để bày tỏ là họ không có ý kiến khi mà họ không thể quyết định chọn lựa bất kỳ một mục trả lời nào.

Ví dụ “không ý kiến”, “không quyết định được”, “không biết”, “không chắc chắn”

Một thang đo cho điểm bắt buộc đòi hỏi người trả lời phải chọn một trong những mục chọn đề nghị.

7. Số lượng điểm đo

Ta cần bao nhiêu điểm đo cho một thang đo là vừa? Bao nhiêu điểm đo là lý tưởng?

Câu trả lời mang tính thực tế: một thang đo nên phù hợp với mục tiêu của nó. Để cho một thang đo mang tính hữu ích, thang đo đó nên phải phù hợp với các thông tin có thể rút ra được     tỷ lệ với   mức  độ phức tạp của tính chất, đối tượng hoặc khái niệm mà ta đang nghiên   cứu. Do  đó,  số lượng  điểm phản ảnh tính chất phức   tạp của đối tượng hoặc khái niệm mà chúng ta có thể hiểu được. Nếu số lượng điểm đo càng nhiều, mức độ biểu thị về chi tiết càng tăng, và ta có thể diễn giải sâu hơn các tính chất phức tạp của khái    niệm.  Tuy nhiên, khi số  lượng  điểm  quá nhiều, ta có  thể  không phân biệt được một cách rõ rành ranh giới, hoặc sự khác biệt giữa các mức độ của tính chất, khái niệm. Ngược lại, nếu số lượng điểm đo quá ít, thì ta không thể phản ảnh đầy đủ bản chất phức tạp của tính chất, đối tượng hoặc khái niệm nghiên cứu.

Số lượng điểm có thể là 3, 5 hoặc nhiều hơn. Thông thường, người ta thường áp dụng thang đo 5 điểm hoặc 7 điểm.

8. Sai số do người đánh giá gây ra

Giá trị của các điểm số đo lường còn dựa trên giả định là người đánh giá sẽ có thể đưa ra phán quyết tốt. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên xem xét lại liệu người đánh giá có xu hướng cho điểm lệch về một phía nào hay không.

Một dạng là người đánh giá ngại đưa ra các phán quyết mang tính đối cực, nên có xu hướng cho điểm xoay quanh giá trị điểm giữa. Lỗi này được gọi là lỗi theo xu hướng trung tâm (error of central tendency).

Người đánh giá cũng có thể là người cho điểm quá khó, hoặc cho điểm quá dễ, và lội này được gọi là “lỗi khoan dung” (error of leniency).