Dùng Do-File trong STATA

Một trong những kỹ năng các bạn cần lưu ý khi bắt đầu sử dụng STATA là nên học cách dùng DO-FILE. Nghe có vẻ phức tạp, nhưng thực chất thì DO-FILE sẽ giúp đỡ các bạn rất nhiều trong quá trình chạy STATA để thực hiện nghiên cứu của mình. Trong bài viết này, mình muốn chia sẻ một số vấn đề liên quan đến DO-FILE để các bạn dễ nắm bắt và dễ sử dụng nhất nhé.

Thứ nhất: DO-FILE là gì?
DO-FILE là một tập tin ghi nhận tất cả các lệnh mà bạn muốn chạy, từ đầu đến cuối, cho nghiên cứu của mình.

Thứ hai: Vì sao phải dùng DO-FILE?
DO-FILE giúp bạn lưu lại các lệnh, vậy nên khi muốn chạy lại các lệnh đó, bạn chỉ cần mở DO-FILE ra, bôi đen lệnh cần chạy, bấm nút Execute(Do) là bạn sẽ có được kết quả mình cần. Bạn sẽ đỡ tốn công sức nhớ các lệnh đó. Nút Execute(Do) nằm trên cửa sổ DO-FILE luôn nhé.

Thứ ba: Làm thế nào để bắt đầu sử dụng DO-FILE?
Rất đơn giản, trên thanh công cụ của STATA, sẽ có một nút bấm tên là New Do-File Editor. Chỉ cần bấm vào đó thì cửa sổ DO-FILE sẽ hiện ra. Sau đó, thì bạn nên bấm lưu và đặt tên cho DO-FILE đó nhé. Lưu ý: Nên lưu DO-FILE cùng một chỗ với dữ liệu. Ví dụ, trong hình ảnh này, mình đã đặt tên DO-FILE này là example. Tập tin DO-FILE sẽ có đuôi là .do nhé. Sau đó, khi cần mở DO-FILE thì chỉ cần bấm Open – Tìm đến folder lưu DO-FILE và click chọn để mở nó ra thôi.

Thứ tư: Sử dụng DO-FILE như thế nào?
Bạn cố gắng tập thói quen là bất cứ lệnh nào liên quan đến nghiên cứu của mình thì bạn đều gõ trong DO-FILE trước, rồi bôi đen lệnh đó, bấm nút Execute(Do) thì lệnh sẽ chạy. Thao tác này tương tự như bạn gõ lệnh trong cửa sổ lệnh (Command Window) và bấm enter vậy đó.
Chỉ có lệnh nào đơn giản, không cần lưu thì bạn mới nên dùng cửa sổ lệnh trong màn hình chính của STATA thôi nhé.
Khi lưu các lệnh trong DO-FILE thì bạn nên add comment cho lệnh đó để lần sau khi mở DO-FILE lên bạn sẽ biết ngay lệnh đó là lệnh dùng để làm gì.
Có hai cách để ghi comment: Dùng /* */ hoặc // STATA sẽ hiểu rằng ở trong ký hiệu /* */ hoặc ở phía sau dấu // là phần comment chứ ko phải lệnh.

Thứ năm: Lệnh dài quá thì phải làm sao?
Nếu lệnh của bạn quá dài, làm bạn phải kéo chuột qua kéo chuột về để xem hết cái lệnh thì bạn có thể chia cách lệnh đó bằng dấu /// Như vậy, STATA sẽ hiểu rằng phần sau dấu /// cũng là lệnh.