Xây dựng Tổng quan tài liệu và Cơ sở lý thuyết

1. GIỚI THIỆU VỀ TỔNG QUAN TÀI LIỆU VÀ CƠ SỞ LÝ THUYẾT (Literature review)

1.1. Khái niệm

Là một bản miêu tả chi tiết để chỉ ra rằng những lý thuyết nào sẽ được nói đến và sử dụng trong đề tài nghiên cứu của mình. Tổng quan tài liệu và cơ sở lý thuyết có vai trò rất quan trọng, cho phép ta kết luận vấn đề mình đang nghiên cứu có đáng để thực hiện và có khả năng thực hiện hay không?”

1.2. Mục đích của Tông quan tài liệu và cơ sở lý thuyêt

  • Trình bày kiến thức và sự hiểu biết về vấn đề đang hoặc sẽ nghiên cứu.
  • Đánh giá ưu – khuyết điểm của các lý thuyết sẽ áp dụng.

1.3. Một số lưu ý

  • Tổng quan tài liệu và cơ sở lý thuyết không phải là một “bản danh sách” miêu tả những tài liệu, lý thuyết có sẵn hoặc tập hợp các kết luận.
  • Tổng quan tài liệu và cơ sở lý thuyết phải là sự đánh giá có mục đích của những thông tin có tính chất tham khảo. Sự đánh giá này có thể dựa trên mục tiêu nghiên cứu hoặc những vấn đề gây tranh cãi trong đề tài nghiên cứu.
  • Tổng quan tài liệu và cơ sở lý thuyết sẽ thể hiện kỹ năng của người làm nghiên cứu ở 2 lĩnh vực:
    • khả năng tìm kiếm thông tin, dữ liệu.
    • khả năng đánh giá vấn đề một cách sâu sắc và khách quan.

2. VAI TRÒ CỦA TỔNG QUAN TÀI LIỆU VÀ CƠ SỞ LÝ THUYẾT

  • Cung cấp nền tảng lý thuyết   cho việc nghiên cứu  cũng như  định  hướng  cho nghiên cứu của mình.
  • Làm rõ ý nghĩa của việc liên kết những gì ta đề xuất khi nghiên cứu với những gì đã được nghiên cứu trước đó, từ đó giúp ta chọn lọc được phương pháp nghiên cứu phù hợp.
  • Giúp tập trung và làm rõ ràng hơn vấn đề nghiên cứu, tránh sự tản mạn, lan man.
  • Tăng cường khả năng phương pháp luận.
  • Mở rộng tầm hiểu biết trong lĩnh vực ta đang nghiên cứu.
  • Giảm thiểu các sai lầm, đặc biệt là những sai lầm mang tính “ngây thơ”.
  • Là bước quan trọng để định hướng việc tìm số liệu và thiết lập bảng câu hỏi về sau.

3. THẾ NÀO LÀ TỔNG QUAN TÀI LIỆU VÀ CƠ SỞ LÝ THUYẾT TỐT?

  • Phải được sắp xếp hợp lý, bao quát từ tổng thể đến chi tiết từng câu hỏi nghiên cứu.
  • Phải tổng hợp được các kết quả thành một kết luận, đồng thời chỉ rõ ra những ưu điểm cũng như mặt hạn chế của từng lý thuyết, nêu rõ cái gì đã biết và chưa biết.
  • Nhận diện được những tranh luận nảy sinh giữa các lý thuyết.
  • Thiết lập được những câu hỏi cần thiết để phục vụ cho các nghiên cứu về sau.

4. CHIẾN LƯỢC KHAI THÁC THÔNG TIN DỮ LIỆU

Việc khai thác các nguồn thông tin dữ liệu thứ cấp có thể được thực hiện ở tất cả các giai đoạn nghiên cứu. Nhưng hầu hết tập trung ở các giai đoạn đầu tiên của quá trình nghiên cứu, nhằm có cơ sở chuyển từ vấn đề nghiên cứu đến các câu hỏi nghiên cứu cụ thể. Việc xây dựng cơ sở lý thuyết cho nghiên cứu cũng là một bộ phận quan trọng trong khai thác thông tin dữ liệu thứ cấp cho nghiên cứu.

Trong giai đoạn này, mục tiêu cần hoàn thành là:

  • Mở rộng sự hiểu biết và nhận thức về vấn đề nghiên cứu.
  • Tìm kiếm các cách thức đã được sử dụng để giải quyết vấn đề nghiên cứu hoặc câu hỏi nghiên cứu tương tự.
  • Tập hợp các thông tin   nền  về  chủ  đề nghiên cứu   để tinh  lọc  lại các câu hỏi nghiên cứu.
  • Xác định các thông tin có thể được tập hợp để hình thành các câu hỏi điều tra.
  • Xác định các dạng câu hỏi có thể sử dụng để thu thập dữ liệu theo các thang đo khác nhau.
  • Xác định nguồn và các khung sườn có thể ứng dụng được để xác định phương thức lấy mẫu.