1. XÁC ĐỊNH VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU (Research Problems)
Để tiến hành một đề tài nghiên cứu, cần phải xác định một vấn đề cụ thể mà nghiên cứu của chúng ta tập trung vào. Các bước tiếp theo trong nghiên cứu sẽ thay đổi tùy thuộc vào vấn đề mà chúng ta lựa chọn.
Xác định vấn đề nghiên cứu là một công việc khó khăn. Tuy nhiên cuộc sống xung quanh chúng ta đầy rẫy các vấn đề. Có thể tìm vấn đề thông qua đọc tài liệu hoặc quan sát.
Lưu ý khi lựa chọn vấn đề nghiên cứu:
- Chúng ta cần phải thích thú với vấn đề. Chúng ta sẽ phải mất nhiều thời gian để thực hiện đề tài nên việc chọn một vấn đề chúng ta quan tâm sẽ giúp chúng ta có động cơ theo đuổi đến cùng.
- Vấn đề phải có ý nghĩa thực tiễn và phải có đóng góp. Chúng ta sẽ phí thời gian nếu thực hiện một đề tài mà người khác đã làm, hoặc sẽ chẳng có ai đọc. Ít nhất đề tài của chúng ta phải đóng góp điều gì đó về lý thuyết hoặc chính sách, hoặc đem lại những hiểu biết nhất định cho người đọc.
- Vấn đề của chúng ta phải cụ thể, không quá rộng vì chúng ta sẽ không có nhiều thời gian.
- Chúng ta cần phải bảo đảm là có thể thu thập được những thông tin/dữ liệu cần thiết để tiến hành đề tài.
- Chúng ta phải bảo đảm là có thể rút ra kết luận/bài học từ nghiên cứu của mình.
- Chúng ta phải trình bày vấn đề một cách rõ ràng, chính xác và ngắn gọn.
Khi đã chọn vấn đề nghiên cứu, chúng ta cần phải trình bày và triển khai để có thể thực hiện nghiên cứu. Sau đây là các cách thức liên quan.
2. XÁC ĐỊNH CÂU HỎI NGHIÊN CỨU
Nghiên cứu một vấn đề là tìm ra câu trả lời cho vấn đề đó. Do vậy đặt câu hỏi là cách tốt nhất để xác định vấn đề nghiên cứu.
Câu hỏi có thể rút ra trực tiếp từ vấn đề nghiên cứu. Có thể có nhiều câu hỏi cho một vấn đề. Có thể có câu hỏi chính và câu hỏi phụ. Từ câu hỏi nghiên cứu, ta sẽ cụ thể hóa và diễn giải chi tiết thành câu hỏi điều tra. Và để có được các thông tin, số liệu cụ thể, ta cần có các câu hỏi đo lường. Sau đây là hình minh họa sự phân chia thang bậc của vấn đề nghiên cứu và câu hỏi nghiên cứu.
3. TIÊN ĐỀ
Nghiên cứu có thể tập trung vào một tiên đề thay vì giả thiết. Ví dụ:
Nghiên cứu tập trung vào vấn đề cung cấp nhà ở cho người có thu nhập thấp. Vấn đề nghiên cứu có thể được hình thành qua tiên đề:
- Chính phủ đưa ra các chương trình cung cấp nhà ở cho những người có thu nhập thấp
- Nhà ở do các chương trình này cung cấp không có những tính chất cần thiết phù hợp với người có thu nhập thấp
- Do vậy, có một sự không phù hợp giữa chương trình cung cấp nhà ở và nhu cầu nhà ở của người có thu nhập thấp
Nghiên cứu của chúng ta có thể tìm ra những điểm không phù hợp và đưa ra những kiến nghị để giải quyết vấn đề.
4. GIẢ THIẾT
Đây là các tiếp cận nghiên cứu theo phương pháp diễn dịch. Đầu tiên chúng ta đưa ra một giả thiết. Sau đó dùng các thông tin, dữ liệu để kiểm tra giả thiết (bác bỏ hay chấp nhận). Giả thiết có thể rút ra từ câu hỏi. Giả thiết nên:
- Là một câu khẳng định
- Phạm vi giới hạn
- Là một câu phát biểu về mối quan hệ giữa các biến số
- Có ý nghĩa rõ ràng
- Phù hợp với lý thuyết
- Được diễn tả một cách thích hợp với các thuật ngữ chính xác
5. NGHIÊN CỨU TÌM HIỂU VẤN ĐỀ
Thay vì nghiên cứu để trả lời câu hỏi hay kiểm định giả thiết, nghiên cứu của chúng ta có thể tìm hiểu một vấn đề nào đó. Ví dụ:
- Mục đích của nghiên cứu này là tìm hiểu hệ thống thuế thu nhập cá nhân ở Nhật Bản và đánh giá theo hướng tìm ra những khía cạnh có thể áp dụng để cải thiện hệ thống thuế thu nhập cá nhân ở Việt Nam
- Mục đích của nghiên cứu này là xem xét và đánh giá hệ thống tiêu chuẩn nước thải ở Đức có thể áp dụng ở Việt Nam hay không
6. ĐÁNH GIÁ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
Phần này giúp chúng ta đánh giá vấn đề nghiên cứu. Có thể xem xét có nên theo đuổi một vấn đề bằng cách trả lời những câu hỏi sau đây:
Về tầm quan trọng của đề tài
- Có phải là một vấn đề quan trọng không?
- Có cụ thể không?
- Có ý nghĩa về chính sách không?
- Có ý nghĩa về lý thuyết không?
- Có ý nghĩa về phương pháp không?
- Có phù hợp với chuyên ngành mà chúng ta theo học không?
Về sở thích cá nhân
- Chúng ta có quan tâm và hứng thú với vấn đề này không?
- Có giúp chúng ta thăng tiến trong học tập/nghề nghiệp không?
- Có thu hút sự quan tâm của người đọc không?
- Có được chấp nhận trong lĩnh vực mà chúng ta đang học tập/làm việc không? về tính khả thi của đề tài
- Có phù hợp với kiến thức của chúng ta không?
- Có phù hợp với nguồn tài liệu/dữ liệu mà chúng ta có thể có hoặc thu thập không?
- Có thể được xây dựng dựa trên lý thuyết, kiến thức và kinh nghiệm mà chúng ta có không?
Có thể tiến hành trong điều kiện những hạn chế về thời gian, nguồn lực và tiền bạc của chúng ta không?