1. Phương pháp phân tích và tổng hợp lý thuyết
Nghiên cứu lý thuyết thường bắt đầu từ phân tích các tài liệu để tìm ra cấu trúc, các xu hướng phát triển của lý thuyết. Từ phân tích lý thuyết, lại cần tổng hợp chúng lại để xây dựng thành một hệ thống khái niệm, phạm trù tiến tới tạo thành lý thuyết khoa học mới.
– Phương pháp phân tích lý thuyết: là phương pháp phân tích lý thuyết thành những mặt, những bộ phận, những mối quan hệ theo lịch sử thời gian để nhận thức, phát hiện và khai thác các khía cạnh khác nhau của lý thuyết từ đó chọn lọc những thông tin cần thiết phục vụ cho đề tài nghiên cứu.
Phân tích lý thuyết bao gồm những nội dung sau:
+ Phân tích nguồn tài liệu (tạp chí và báo cáo khoa học, tác phẩm khoa học, tài liệu lưu trữ thông tin đại chúng). Mỗi nguồn có giá trị riêng biệt.
+ Phân tích tác giả (tác giả trong hay ngoài ngành, tác giả trong cuộc hay ngoài cuộc, tác giả trong nước hay ngoài nước, tác giả đương thời hay quá cố). Mỗi tác giả có một cái nhìn riêng biệt trước đối tượng.
+ Phân tích nội dung (theo cấu trúc logic của nội dung).
– Phương pháp tổng hợp lý thuyết: là phương pháp liên quan kết những mặt,những bộ phận, những mối quan hệ thông tin từ các lý thuyết đã thu thập được thành một chỉnh thể để tạo ra một hệ thống lý thuyết mới đầy đủ và sâu sắc về chủ đề nghiên cứu.
Tổng hợp lý thuyết bao gồm những nội dung sau:
+ Bổ sung tài liệu, sau khi phân tích phát hiện thiếu hoặc sai lệch.
+ Lựa chọn tài liệu chỉ chọn những thứ cần, đủ để xây dựng luận cứ.
+ Sắp xếp tài liệu theo lịch đại (theo tiến trình xuất hiện sự kiện để nhận dạng động thái); sắp xếp tài liệu theo quan hệ nhân – quả để nhận dạng tương tác.
+ Làm tái hiện quy luật. Đây là bước quan trọng nhất trong nghiên cứu tài liệu, chính là mục đích của tiếp cận lịch sử.
+ Giải thích quy luật. Công việc này đòi hỏi phải sử dụng các thao tác logic để đưa ra những phán đoán về bản chất các quy luật của sự vật hoặc hiện tượng.
Phân tích và tổng hợp là hai phương pháp có quan hệ mật thiết với nhau tạo thành sự thống nhất không thể tách rời: phân tích được tiến hành theo phương hướng tổng hợp, còn tổng hợp được thực hiện dựa trên kết quả của phân tích. Trong nghiên cứu lý thuyết, người nghiên cứu vừa phải phân tích tài liệu, vừa phải tổng hợp tài liệu.
2. Phương pháp phân loại và hệ thống hoá lý thuyết
Phương pháp phân loại lý thuyết: là phương pháp sắp xếp các tài liệu khoa học thành hệ thống logic chặt chẽ theo từng mặt, từng đơn vị kiến thức, từng vấn đề khoa học có cùng dấu hiệu bản chất, có cùng hướng phát triển để dễ nhận biết, dễ sử dụng theo mục đích nghiên cứu, giúp phát hiện các quy luật phát triển của đối tượng, sự phát triển của kiến thức khoa học để từ đó dự đoán được các xu hướng phát triển mới của khoa học và thực tiễn.
Phương pháp hệ thống hóa lý thuyết: là phương pháp sắp xếp những thông tin đa dạng thu thập được từ các nguồn, các tài liệu khác nhau thành một hệ thống với một kết cấu chặt chẽ (theo quan điểm hệ thống – cấu trúc của việc xây dựng một mô hình lý thuyết trong nghiên cứu khoa học) để từ đó mà xây dựng một lý thuyết mới hoàn chỉnh giúp hiểu biết đối tượng được đầy đủ và sâu sắc hơn.
Phân loại và hệ thống hóa là hai phương pháp đi liền với nhau. Trong phân loại đã có yếu tố hệ thống hóa. Hệ thống hóa phải dựa trên cơ sở phân loại và hệ thống hóa làm cho phân loại được hợp lý và chính xác hơn.
3. Phương pháp so sánh
Phương pháp so sánh là phương pháp được sử dụng lâu đời và phổ biến nhất. So sánh trong phân tích là đối chiếu các chỉ tiêu, các hiện tượng kinh tế đã được lượng hóa, có nội dung và tính chất tương tự để xác định xu hướng, mức độ biến động của các chỉ tiêu.
Phương pháp so sánh là một trong những phương pháp tính toán kĩ thuật được sử dụng trong khoa học phân tích kinh tế.
Phương pháp so sánh cho phép chúng ta tổng hợp được những nét chung cũng như tách ra được những nét riêng của các hiện tượng được so sánh, trên cơ sở đó đánh giá được các mặt phát triển hay kém phát triển, hiệu quả hay kém hiệu quả để tìm ra các giải pháp quản lí tối ưu trong mỗi trường hợp cụ thể.
Vì vậy, để tiến hành so sánh bắt buộc phải giải quyết những vấn đề cơ bản như xác định số gốc để so sánh, xác định điều kiện so sánh, mục tiêu so sánh.
– Số gốc để so sánh: tùy thuộc vào mục đích cụ thể của hoạt động phân tích mà ta xác định số gốc để so sánh. So sánh các số liệu thực hiện với các số liệu định mức, kế hoạch giúp ta đánh giá mức độ biến động so với mục tiêu đề ra.
– So sánh số liệu kì này với số liệu kì trước (năm trước, quí trước, tháng trước) giúp ta nghiên cứu nhịp độ biến động, tốc độ tăng trưởng của hiện tượng.
– So sánh số liệu của thời gian này với số liệu cùng kì của thời gian trước giúp ta nghiên cứu nhịp độ thực hiện kinh doanh trong từng khoảng thời gian.
– So sánh số liệu thực hiện với các thông số kinh tế kĩ thuật trung bình hoặc tiên tiến giúp ta đánh giá được mức độ phấn đấu của doanh nghiệp.
– So sánh số liệu của doanh nghiệp mình với doanh nghiệp tương đương, điển hình hoặc doanh nghiệp thuộc đối thủ cạnh tranh giúp ta đánh giá được thế mạnh, yếu của doanh nghiệp.
– So sánh số liệu thực tế với mức hợp đồng đã kí, tổng nhu cầu… giúp ta biết được khả năng đáp ứng nhu cầu của thị trường.
– So sánh các thông số kinh tế kĩ thuật của các phương án kinh tế khác nhau giúp ta lựa chọn được phương án tối ưu.
4. Phương pháp mô hình hóa
Phương pháp mô hình hóa là một phương pháp khoa học để nghiên cứu các đối tượng, các quá trình … bằng cách xây dựng các mô hình của chúng (các mô hình này bảo toàn các tính chất cơ bản được trích ra của đối tượng đang nghiên cứu) và dựa trên mô hình đó để nghiên cứu trở lại đối tượng thực.
Mô hình: là một hệ thống các yếu tố vật chất hoặc ý niệm (tư duy) để biểu diễn, phản ánh hoặc tái tạo đối tượng cần nghiên cứu, nó đóng vai trò đại diện, thay thế đối tượng thực sao cho việc nghiên cứu mô hình cho ta những thông tin mới tương tự đối tượng thực.– Tính chất của mô hình:
+ Tính tương tự: có sự tương tự giữa mô hình và vật gốc, chúng có những đặc điểm cơ bản có thể so sánh với nhau được như: cấu trúc (đẳng cấu), chức năng, thuộc tính, cơ chế vận hành…. Song sự tương tự giữa mô hình và đối tượng thực (vật gốc) chỉ là tương đối.
+ Tính đơn giản: mô hình chỉ phán ánh một hoặc một số mặt nào đó của đối tượng gốc.
+ Tính trực quan: mô hình là sự tái hiện đối tượng nghiên cứu dưới dạng trực quan.
+ Tính lý tưởng: khi mô hình hóa đối tượng gốc, ta đã khái quát hóa, trừu tượng hóa, phản ánh đặc tính của đối tượng gốc ở mức độ hoàn thiện hơn (lý tưởng).
+ Tính quy luật riêng: mô hình có những tính chất riêng được quy định bởi các phần tử tạo nên nó.
Ví dụ mô hình tế bào được làm bởi chất liệu khác với tế bào thực; mô hình trường học tiên tiến có nét riêng bởi các thành tố của trường đó (đội ngũ, cơ sở vật chất, môi trường giáo dục, quản lý …).
Phương pháp mô hình hóa là một phương pháp khoa học bằng việc xây dựng mô hình của đối tượng nghiên cứu, sao cho việc nghiên cứu mô hình cho ta những thông tin (về thuộc tính, cấu trúc, chức năng, cơ chế vận hành ….) tương tự đối tượng nghiên cứu đó.
Cơ sở logic của phương pháp mô hình hóa là phép loại suy. Phương pháp mô hình hóa cho phép tiến hành nghiên cứu trên những mô hình (vật chất hay ý niệm (tư duy)) do người nghiên cứu tạo ra (lớn hơn, bằng hoặc nhỏ hơn đối tượng thực) để thay thế việc nghiên cứu đối tượng thực. Điều này thường xảy ra khi người nghiên cứu không thể hoặc rất khó nghiên cứu đối tượng thực trong điều kiện thực tế.
Phương pháp mô hình hóa xem xét đối tượng nghiên cứu như một hệ thống (tổng thể), song tách ra từ hệ thống (đối tượng) các mối quan hệ, liên hệ có tính quy luật có trong thực tế nghiên cứu, phản ánh được các mối quan hệ, liên hệ đó của các yếu tố cấu thành hệ thống – đó là sự trừu tượng hóa hệ thống thực.
Dùng phương pháp mô hình hóa giúp người nghiên cứu dự báo, dự đoán, đánh giá các tác động của các biện pháp điều khiển, quản lý hệ thống.Ví dụ: sử dụng phương pháp phân tích cấu trúc (đặc biệt là cấu trúc không gian, các bộ phận hợp thành có bản chất vật lý giống hệt đối tượng gốc) để phản ánh, suy ra cấu trúc của đối tượng gốc như: mô hình động cơ đốt trong, mô hình tế bào, sa bàn….
Phương pháp “chiếc hộp đen” được coi là phương pháp mô hình hóa chức năng.Trong phương pháp này, người ta đã trìu xuất chức năng của hệ, còn chứcnăng của hệ được mô hình hóa bằng “chiếc hộp đen” cho biết mối quan hệ giữa “đầu vào” và “đầu ra” của hệ.
5. Phương pháp sơ đồ
Sơ đồ (graph) là một công cụ toán học được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực khoa học như: kinh tế học (kế hoạch hóa…), sinh học (mạng thần kinh), tâm lý học (sơ đồ hóa các quá trình hình thành các khái niệm – tri thức), giáo dục học(phân tích hoạt động trong quá trình dạy học)…. Ngày nay, trong thiết kế dự án phát triển kinh tế xã hội, trong xây dựng cơ bản, trong nghiên cứu khoa học thì graph là một trợ thủ tuyệt vời.
– Tác dụng ứng dụng của graph:
+ Graph có ưu thế tuyệt đối trong việc mô hình hóa cấu trúc của sự vật, các hoạt động từ đơn giản đến phức tạp, từ quy mô nhỏ đến vĩ mô. Graph cho phép hình dung một cách trực quan các mối liên hệ giữa các yếu tố trong cấu trúc của một sự vật hay một hoạt động mà không quan tâm đến kích thước hay tỉ lệ thực của chúng.
+ Graph cho phép đề xuất nhiều phương án khác nhau cho cùng một hoạt động.
Phương pháp sơ đồ (graph) là phương pháp khoa học sử dụng sơ đồ để mô tả sự vật, hoạt động, cho phép hình dung một cách trực quan các mối liên hệ giữa các yếu tố trong cấu trúc của sự vật, cấu trúc logic của quy trình triển khai hoạt động (tức là con đường từ lúc bắt đầu đến lúc kết thúc hoạt động) giúp con người quy hoạch tối ưu, điều khiển tối ưu các hoạt động.
– Graph ngày nay được xem như phương pháp khoa học, đặc biệt là phương pháp nghiên cứu khoa học hiệu nghiệm.
Với những ứng dụng quan trọng và phổ biến của lý thuyết graph vào thực tiễn như:
+ Hệ thống PERT – Program Evaluation and Review Technique (kỹ thuật đánh giá và kiểm tra các chương trình). Hệ này được gọi là hệ tiềm năng – giai đoạn (sinh ra ở Mỹ năm 1958 có liên quan với việc hòan thiện tên lửa Polaris.)
+ Phương pháp tiềm năng: MP – Methode des potentials (sinh ra ở Pháp năm 1985).
+ Phương pháp đường găng (con đường tới hạn): CMP – Critical PathMethods – chính là tiếp cận PERT theo nghĩa hẹp …. có thể nêu lên những ưu thế cụ thể nổi bật hoạt động từ đơn giản đến phức tạp (trong đó kể cả hoạt động nghiên cứu khoa học) bằng sơ đồ graph.
+ Mô hình hóa cấu trúc của quy trình hoạt động thành hệ thống những nhiệm vụ, mục tiêu, các công đoạn thực hiện cùng với những yêu cầu chặt chẽ.
+ Mô hình hóa logic triển khai hoạt động, tức là con đường vận động từ điểm bắt đầu cho tới khi kết thúc cùng với những con đường phân nhánh của nó.
+ Tính toán được con đường tới hạn và thời lượng tối đa phải hoàn thành một hoạt động (đề án).Tất cả những khả năng trên giúp người nghiên cứu có thể quy hoạch tối ưu và nhờ đó điều khiển tối ưu hoạt động nghiên cứu khoa học của mình dù phức tạp hay có quy mô như thế nào.
6. Phương pháp giả thuyết (phương pháp đề xuất và kiểm chứng giả thuyết)
– Trong nghiên cứu khoa học, khi phát hiện ra vấn đề khoa học, người nghiên cứu thường so sánh hiện tượng chưa biết với hiện tượng đã biết, từ tri thức cũ với trí tưởng tượng sáng tạo mà hình dung ra cái cần tìm. Đó chính là thao tác xây dựng giả thuyết. Chỉ khi nào đề xuất được giả thuyết thì công việc nghiên cứu khoa học mới thực sự bắt đầu.
– Vì giả thuyết là một kết luận giả định, một dự báo dựa trên cơ sở phán đoán,suy lý nên giả thuyết có thể phù hợp, không hoàn toàn phù hợp hoặc không phù hợp. Người nghiên cứu cần phải chứng minh, thông thường được thực hiện bằng hai cách:
+ Chứng minh trực tiếp: là phép chứng minh dựa vào các luận chứng chân xácvà bằng các quy tắc suy luận để rút ra tính chân xác của luận đề. Nói cách khác: chứng minh trực tiếp là phép chứng minh trong đó tính chân xác của tất cả các cứ luận.
+ Chứng minh gián tiếp: là phép chứng minh khẳng định rằng phản luận đề là phi chân xác (giả dối) và từ đó rút ra kết luận đề chân xác. Nói cách khác: chứng minh gián tiếp là phép chứng minh trong đó tính chân xác của luận đề được chứng minh bằng tính phi chân xác của phản luận đề.
Với tư cách là một phương pháp biện luận, phương pháp giả thuyết được sử dụng như là một thử nghiệm của tư duy, thử nghiệm được sử dụng như là một thử nghiệm của tư duy, thử nghiệm thiết kế các hành động lý thuyết, trong đó suy diễn để rút ra kết luận chân xác từ giả thuyết là một thao tác logic quan trọng của quá trình nghiên cứu khoa học.
7. Phương pháp nghiên cứu lịch sử
Phương pháp nghiên cứu lịch sử là phương pháp nghiên cứu bằng cách tìm nguồn gốc phát sinh (nguồn gốc xuất xứ, hoàn cảnh nảy sinh), quá trình phát triển và biến hóa (điều kiện, hoàn cảnh, không gian, thời gian…. có ảnh hưởng) để phát hiện bản chất và quy luật vận động của đối tượng.
– Phương pháp nghiên cứu lịch sử yêu cầu người nghiên cứu làm rõ quá trình phát sinh, phát triển cụ thể của đối tượng, phải nắm được sự vận động cụ thể trong toàn bộ tính phong phú của nó, phải bám sát đối tượng, theo dõi những bước quanh co, những cái ngẫu nhiên, tất yếu của lịch sử, những tính phức tạp muôn màu muôn vẻ trong các hoàn cảnh khác nhau và theo một trật tự thời gian nhất định …. từ đó phát hiện sợi dây lịch sử, đó chính là mục đích của mọi hoạt động nghiên cứu khoa học.
– Phương pháp nghiên cứu lịch sử trong nghiên cứu lý thuyết còn được sử dụng để phân tích các tài liệu lý thuyết đã có nhằm phát hiện xu hướng, các trường phái nghiên cứu… từ đó xây dựng tổng quan về vấn đề nghiên cứu còn gọi là lịch sử nghiên cứu vấn đề.
Nghiên cứu lịch sử vấn đề là cơ sở để phát hiện những thành tựu lý thuyết đã có nhằm thừa kế, bổ sung và phát triển các lý thuyết đó, hoặc phát hiện những thiếu sót, không hoàn chỉnh trong các tài liệu đã có… từ đó tìm thấy chỗ đứng của đề tài nghiên cứu của từng cá nhân.