Cách loại biến trong phân tích Cronbach Alpha trên SPSS

Loại biến trong kiểm định Cronbach Alpha khá quan trọng bởi nó giúp chúng ta loại bỏ đi các biến quan sát rác làm giảm độ tin cậy thang đo chung. Vậy khi nào chúng ta loại biến, tiêu chuẩn nào quyết định một biến quan sát có ý nghĩa trong phân tích Cronbach Alpha, chúng ta sẽ có câu trả lời ở bài viết này!

1. Bản chất việc biến bị loại ở Cronbach Alpha

Một thang đo của một nhân tố là một tập hợp nhiều biến quan sát có mối tương quan với nhau, cùng thể hiện một tính chất. Thang đo sẽ có độ tin cậy cao khi tương quan của các biến quan sát càng lớn, nghĩa là các biến quan sát càng cùng thể hiện một tính chất của yếu tố mẹ. Nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng đều xây dựng một thang đo hoàn hảo khi các biến quan sát đều tốt. Có thể sẽ xuất hiện những biến quan sát không tốt, thiếu sự tương quan với các biến quan sát còn lại, những biến này thường làm cho độ tin cậy thang đo của nhóm bị giảm.
Kiểm định Cronbach Alpha là một công cụ phổ biến dùng để phát hiện biến quan sát không tốt và đánh giá thang đo có đảm bảo độ tin cậy tiêu chuẩn hay không. Chúng ta có thể sử dụng công cụ này trên phần mềm SPSS.
Như vậy, việc biến bị loại ở bước phân tích Cronbach Alpha là bởi vì biến đó không có sự tương quan chặt chẽ với các biến quan sát còn lại trong cùng một nhóm (cùng một thang đo).

2. Tiêu chí trong phân tích Cronbach Alpha trên SPSS

Trong phân tích Cronbach Alpha trên SPSS, một thang đo đảm bảo độ tin cậy thống kê khi:

– Tiêu chí 1: Mức giá trị hệ số Cronbach’s Alpha đảm bảo tiêu chuẩn từ 0.6 trở lên (Nguồn: Hoàng Trọng, Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008), Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS Tập 2, NXB Hồng Đức, Trang 24). Các mức tiêu chuẩn của hệ số Cronbach Alpha:

  • Từ 0.8 đến gần bằng 1: thang đo lường rất tốt.
  • Từ 0.7 đến gần bằng 0.8: thang đo lường sử dụng tốt.
  • Từ 0.6 trở lên: thang đo lường đủ điều kiện.
– Tiêu chí 2: Các biến quan sát đều có hệ số tương quan biến tổng Corrected Item – Total Correlation ≥ 0.3 thì biến đó đạt yêu cầu (Nguồn: Nunnally, J. (1978), Psychometric Theory, New York, McGraw-Hill). 

– Chúng ta cũng cần chú ý đến giá trị của cột Cronbach’s Alpha if Item Deleted, cột này biểu diễn hệ số Cronbach’s Alpha của nhóm nếu loại biến đang xem xét. Mặc dù đây không phải là một tiêu chuẩn để đánh giá độ tin cậy thang đo, tuy nhiên, nếu giá trị Cronbach’s Alpha if Item Deleted lớn hơn hệ số Cronbach Alpha của nhóm thì chúng ta nên cân nhắc xem xét biến quan sát này tùy vào từng trường hợp ở bên dưới.

3. Loại biến trong phân tích Cronbach Alpha trên SPSS

Thực hành các trường hợp loại biến trong phân tích Cronbach Alpha với một tập data mẫu gồm 4 thang đo ở đây:

  • DT (Đào tạo) gồm 4 biến quán sát DT1 – DT4
  • LD (Lãnh đạo) gồm 5 biến quan sát LD1 – LD4
  • TN (Lương, thưởng, phúc lợi) gồm 5 biến quan sát TN1 – TN5
  • DK (Điều kiện làm việc) gồm 4 biến quan sát DK1 – DK4

a. Kiểm định Cronbach Alpha với nhóm DT

→ Kết quả kiểm định cho thấy biến quan sát DT1 có hệ số tương quan biến tổng (Corrected Item-Total Correlation) là 0.283 < 0.3. Biến này không đảm bảo tiêu chí số 2 ở trên, do vậy chúng ta loại biến này và chạy Cronbach Alpha lại lần 2.

→ Kết quả kiểm định cho thấy các biến quan sát đều có hệ số tương quan tổng biến phù hợp (≥ 0.3). Hệ số Cronbach’s Alpha = 0.763 ≥ 0.6 nên đạt yêu cầu về độ tin cậy.

b. Kiểm định Cronbach Alpha với nhóm LD

→ Kết quả kiểm định cho thấy biến quan sát LD3 có hệ số Cronbach’s Alpha if Item Deleted = 0.768 lớn hơn hệ số Cronbach’s Alpha của nhóm là 0.749. Tuy nhiên, bhệ số tương quan biến tổng của biến là 0.342 > 0.3 và Cronbach’s Alpha của nhóm đã trên 0.6, thậm chí còn trên cả 0.7 rồi. Do vậy chúng ta không cần loại biến LD3 trong trường hợp này.

c. Kiểm định Cronbach Alpha với nhóm TN

→ Kết quả kiểm định cho thấy hệ số Cronbach’s Alpha của nhóm bằng 0.586 < 0.6, không đạt được tiêu chuẩn tối thiểu của giá trị Cronbach Alpha. Biến quan sát TN3 có hệ số Cronbach’s Alpha if Item Deleted = 0.611 lớn hơn hệ số Cronbach’s Alpha của nhóm là 0.586. Như vậy, nếu chúng ta loại TN3 đi thì hệ số Cronbach Alpha mới của nhóm sẽ là 0.611 > 0.6, thang đo đạt yêu cầu. Thực hiện loại TN3 và chạy lại Cronbach Alpha lần 2.

→ Kết quả kiểm định cho thấy các biến quan sát đều có hệ số tương quan tổng biến phù hợp (≥ 0.3). Hệ số Cronbach’s Alpha = 0.611 ≥ 0.6 nên đạt yêu cầu về độ tin cậy.

d. Kiểm định Cronbach Alpha với nhóm DK

→ Kết quả kiểm định cho thấy hệ số Cronbach’s Alpha của nhóm bằng 0.566 < 0.6, không đạt được tiêu chuẩn tối thiểu của giá trị Cronbach Alpha. Ở bên dưới các biến không có giá trị Cronbach’s Alpha if Item Deleted nào lớn hơn mức 0.6. Do vậy, thang đo DK không đảm bảo độ tin cậy và được loại bỏ trong nghiên cứu.

** TÓM GỌN:

  • Nếu hệ số Cronbach’s Alpha của nhóm đã đủ tiêu chuẩn thì việc xuất hiện biến quan sát có Cronbach’s Alpha if Item Deleted lớn hơn Cronbach’s Alpha của nhóm nhưng tương quan biến tổng lớn hơn 0.3 thì chúng ta không cần loại biến quan sát đó đi.
  • Nếu hệ số Cronbach’s Alpha của nhóm chưa đủ tiêu chuẩn thì việc xuất hiện biến quan sát có Cronbach’s Alpha if Item Deleted lớn hơn Cronbach’s Alpha của nhóm nhưng tương quan biến tổng lớn hơn 0.3 thì chúng ta nên loại biến quan sát đó đi để cải thiện độ tin cậy thang đo cho tới khi hệ số Cronbach’s Alpha của nhóm đạt tiêu chuẩn.
  • Nếu hệ số Cronbach’s Alpha của nhóm chưa đủ tiêu chuẩn, chúng ta đã loại các biến quan sát có Cronbach’s Alpha if Item Deleted lớn hơn Cronbach’s Alpha của nhóm nhưng thang đo vẫn không đủ tiêu chuẩn. Khi đó, thang đo không đảm bảo độ tin cậy cho nghiên cứu, cần loại bỏ cả thang đo này.
  • Nếu sự chênh lệch giữa Cronbach’s Alpha của nhóm với Cronbach’s Alpha if Item Deleted của biến quan sát là đáng kể từ 0.3 trở lên. Chúng ta sẽ loại biến quan sát đó để tăng thêm độ tin cậy của thang đo.
Nếu bạn gặp những vấn đề như thang đo không đảm bảo độ tin cậy, biến bị loại quá nhiều,… khi thực hiện kiểm định độ tin cậy thang đo Cronbach Alpha,… bạn có thể tham khảo dịch vụ SPSS của mình ở đây hoặc liên hệ trực tiếp email phamlocblog@gmail.com. Dịch vụ mình cung cấp giúp cải thiện kết quả để các thang đo đảm bảo tính tin cậy, biến bị loại hợp lý.