Tại sao có bài nghiên cứu phân tích Cronbach Alpha cho từng nhóm, có bài lại chạy cho tất cả các biến vào cùng lúc, và chạy 2 cách khác nhau thì kết quả loại biến lại khác nhau hoàn toàn, vậy cái nào đúng?
Chúng ta cùng xem lại khái niệm về
kiểm định độ tin cậy Cronbach Alpha ở đây. Kiểm định độ tin cậy của thang đo nghĩa là chúng ta đang kiểm tra xem các biến quan sát của một nhân tố có thể hiện được tính chất của nhân tố mẹ hay không. Các bạn cần hết sức chú ý về khái niệm thang đo trong thuật ngữ thống kê trường hợp này,
“thang đo” ở đây đồng nghĩa với
“tập hợp các biến quan sát”. Đo lường độ tin cậy của thang đo nghĩa là đo lường độ tin cậy của tập hợp các biến quan sát, xem chúng có đáng tin cậy khi thể hiện tính chất của nhân tố mẹ hay không và giữa chúng có mối tương quan chặt chẽ với nhau hay không.
Ví dụ ở bảng khảo sát đánh giá sự hài lòng của nhân viên trong một tổ chức ở đây. Nhân tố mẹ là các biến độc lập và phụ thuộc: tiền lương, văn hóa tổ chức, phong cách lãnh đạo,…, sự hài lòng của nhân viên. Các câu hỏi nhỏ bên trong gọi là các biến quan sát. Tập hợp các biến quan sát trong mỗi nhân tố gọi là một thang đo của nhân tố đó. Với nhân tố Tiền lương, thang đo của nhân tố này là:
- TL1 – Anh/chị được trả lương tương xứng với kết quả làm việc của mình
- TL2 – Anh/chị thường được tăng lương
- TL3 – Tiền lương được trả công bằng/hợp lý giữa các nhân viên
- TL4 – Mức lương hiện tại của anh/chị phù hợp so với mặt bằng chung của thị trường lao động
Chúng ta thực hiện kiểm định Cronbach Alpha cho nhân tố Tiền lương là đi kiểm tra xem các biến quan sát từ TL1 đến TL4 này có mối tương quan chặt chẽ với nhau không, có thể hiện được tính chất của Tiền lương không.
Trường hợp chạy Cronbach Alpha và kết quả hệ số tương quan biến tổng của tất cả các biến quan sát đều lớn hơn 0.3, nghĩa là tất cả các biến từ TL1 đến TL4 đều thể hiện khá tốt tính chất của nhân tố mẹ Tiền lương và giữa các biến TL1 đến TL4 có mối tương quan chặt chẽ với nhau. Thang đo này có độ tin cậy cao.
Trường hợp chạy Cronbach Alpha và kết quả có biến TL2 có hệ số tương quan biến tổng nhỏ hơn 0.3 chẳng hạn, như hình bên dưới là 0.22 < 0.3 (xem thêm các tiêu chí trong kiểm định Cronbach Alpha). Nghĩa là biến TL2 này không có sự tương quan mạnh với các biến TL1, TL3, TL4 và TL2 không thể hiện được tính chất của nhân tố Tiền lương. Bạn nhìn sang giá trị Cronbach Alpha if Item Deleted của biến TL2 sẽ thấy con số 0.736 lớn hơn 0.662 (0.662 là độ tin cậy của thang đo hiện tại). Cronbach Alpha if Item Deleted của biến TL2 mang ý nghĩa: độ tin cậy Cronbach Alpha mới của thang đo Tiền lương nếu biến TL2 bị loại đi sẽ là 0.662. Như vậy có thể thấy, khi biến TL2 bị loại bỏ đi thì độ tin cậy của thang đo tăng lên khá nhiều từ 0.662 đến 0.736. Chúng ta sẽ cần loại bỏ TL2 để thang đo có độ tin cậy tốt hơn.
Quay lại vấn đề đặt ra ban đầu, khi chạy Cronbach Alpha đưa hết tất cả các biến quan sát của tất cả các nhân tố vào chạy chung với nhau hay là chạy riêng từng nhóm nhân tố. Đáp án là: Chạy riêng từng nhóm nhân tố.
Chúng ta đang đi kiểm định độ tin cậy của từng thang đo, mỗi thang đo là một tập hợp các biến quan sát của một nhân tố. Kiểm định Cronbach Alpha được thực hiện để xem các biến quan sát của nhóm có thể hiện được tính chất của nhân tố mẹ hay không. Nếu đưa tất cả các biến quan sát của các nhân tố vào chạy chung với nhau, có nghĩa là chúng ta đang đi kiểm định độ tin cậy của một thang đo X mà thang đo X đó bao gồm tất cả các biến quan sát của tất cả các biến độc lập. Chúng ta kiểm tra xem các biến quan sát đưa vào có thể hiện được tính chất của X không. Vậy X ở đây là gì? Chúng ta có thể xác định được X không? Kiểm định độ tin cậy của X để làm gì trong khi X là một tập hợp lộn xộn nhiều đặc đính của các nhân tố khác nhau và nó không có bất kỳ một ý nghĩa nào để chúng ta đi kiểm định độ tin cậy của nó?
Mỗi nhóm biến quan sát của một nhân tố thể hiện đặc tính riêng của nhân tố đó. Khi đưa chúng vào chung với nhau và thực hiện phân tích Cronbach Alpha, chúng ta đang kỳ vọng tất cả các biến quan sát này sẽ có tương quan chặt chẽ với nhau và cùng thể hiện chung tính chất của một nhân tố mẹ nào đó. Điều này lại vô tình khiến nhiều biến quan sát bị loại một cách vô nghĩa khi biến quan sát của nhóm này không thể có mối tương quan chặt chẽ với biến quan sát của nhóm khác, không thể biểu hiện được tính chất của nhân tố khác, làm cho hệ số tương quan biến tổng biến nhỏ hơn 0.3. Trong khi đó, ở nhóm gốc của biến quan sát khi thực hiện Cronbach Alpha cho nhóm của biến đó, biến này lại hoàn toàn có ý nghĩa, có tương quan mạnh với các biến cùng nhóm, thể hiện được tính chất của nhân tố mẹ. Vậy thì có phải là chúng ta đã loại “oan” một biến quan sát có ý nghĩa ra khỏi nghiên cứu chỉ vì chúng ta thao tác sai kiểm định?