Chất lượng của một Tạp chí chủ yếu được đánh giá dựa trên (i) quy trình kiểm duyệt để đăng bài, và (ii) các thống kê về chỉ số được trích dẫn của các bài báo đăng trên Tạp chí đó thông qua chỉ số ảnh hưởng. Các Tổ chức xếp hạng đại học sử dụng các chỉ số khoa học công bố để đánh giá số lượng, chất lượng nghiên cứu khoa học và xếp hạng các trường đại học trên thế giới, cũng như cá nhân nhà khoa học.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực xuất bản khoa học hiện nay, xuất hiện nhiều tạp chí quốc tế giả mạo, thường tự xưng là các tờ báo khoa học uy tín và chất lượng, nhưng thực tế không tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng xuất bản khoa học. Điều này không chỉ làm mất lòng tin của cộng đồng nghiên cứu mà còn tạo điều kiện cho việc xuất bản nội dung kém chất lượng và khó kiểm soát.
Bài viết này sẽ giúp các Nhà khoa học (hiện tại và tương lai) hiểu rõ về các danh mục xếp hạng tạp chí phổ biến hiện nay, đặc biệt là cách tra cứu trong các danh mục này, để xác minh chính xác chất lượng của tạp chí cho các bài báo khoa học của mình.
1. Danh mục tạp chí Web of Science – ISI
Web of Science (WoS), còn được gọi là ISI, được rộng rãi thừa nhận và sử dụng để đánh giá chất lượng của các tạp chí khoa học. Bắt đầu từ những năm 1960, ISI chỉ bao gồm SCI, sau đó được mở rộng thành SCIE. Hiện nay, WoS-ISI bao gồm thêm SSCI, A&HCI, và gần đây nhất là ESCI.
Tuy nhiên, 3 danh mục trọng tâm (flagship) của WoS-ISI chỉ bao gồm SCIE/SCI, SSCI và AHCI. Trong khi đó, ESCI là danh mục của các nguồn mới nổi, bao gồm các tạp chí chưa đủ điều kiện vào 3 danh mục uy tín và lâu đời phía trên, nhưng được cộng đồng giới học thuật giới thiệu hay yêu cầu đưa vào.
Để kiểm tra tạp chí có thuộc danh mục SCIE/SCI, SSCI, AHCI, ESCI hay không, nhà khoa học có thể vào link http://mjl.clarivate.com/ và tìm kiếm theo tên tạp chí hoặc số ISSN của tạp chí. Nếu không có kết quả tìm kiếm phù hợp, tức là tạp chí đó không nằm trong WoS-ISI.
Để xem thông tin chi tiết của tạp chí, cần tạo một tài khoản hoặc đăng nhập bằng gmail miễn phí. Khi đó, tốt nhất khi gửi đăng bài, hãy click vào đường link đến tạp chí từ thông tin tra cứu ở đây, sẽ đảm bảo gửi đăng đúng tạp chí trong bối cảnh xuất hiện hàng loạt tạp chí giả mạo, tên và địa chỉ website tương tự.
Thông thường, chỉ các tạp chí thuộc danh mục SCIE/SCI hoặc SSCI mới có Impact Factor (IF) được cập nhật hàng năm trong Journal Citation Reports. Chỉ số IF càng cao thì được hiểu là chất lượng của tạp chí đó càng tốt. Nhà khoa học có thể tra cứu chỉ số IF của các tạp chí tại https://academic-accelerator.com/journal-metrics hoặc https://impactfactorforjournal.com/ tìm danh sách cập nhật mới nhất để tra cứu.
Đặc biệt chú ý, từ đầu năm 2023, mọi tạp chí WoS, tức gồm cả ESCI, đều được tính Impact Factor (IF), mặc dù không được công khai hàng năm trong Journal Citation Reports, nhưng vẫn có thể được cung cấp bằng tài khoản nội bộ của các tạp chí. Mặt khác, một số tạp chí uy tín, như thuộc danh mục ABDC về kinh tế quản trị, không tham gia xếp hạng chỉ số IF nữa, nên không có chỉ số này công khai hàng năm trong Journal Citation Reports.
2. Danh mục tạp chí Scopus
Scopus được xây dựng từ tháng 11 năm 2004 và thuộc sở hữu của Nhà xuất bản Elsevier (Hà Lan). Bên cạnh WoS-ISI, Scopus cũng là một danh mục được rộng rãi sử dụng để đánh giá chất lượng các tạp chí khoa học.
Để kiểm tra tạp chí có thuộc danh mục Scopus hay không, nhà khoa học có thể vào link https://www.scopus.com/sources và tìm kiếm theo tên tạp chí hoặc số ISSN của tạp chí. Nếu không có kết quả tìm kiếm phù hợp, tức là tạp chí đó không nằm trong danh mục Scopus.
Để xem thông tin chi tiết của tạp chí, click vào Source Homepage link đến tạp chí từ thông tin tra cứu ở đây, sẽ đảm bảo gửi đăng đúng tạp chí trong bối cảnh xuất hiện hàng loạt tạp chí giả mạo, tên và địa chỉ website tương tự.
Cần lưu ý, tạp chí khoa học (Journals) chỉ là một trong các sản phẩm khoa học thuộc danh mục Scopus bên cạnh Book Series, Conference Proceedings, Trade Publications. Nhà khoa học cần kiểm tra mục Source Type để đảm bảo tạp chí thuộc mục Journals.
Để xác định chất lượng tạp chí, nhà khoa học có thể tra cứu tiếp tại https://www.scimagojr.com/, rồi tìm theo tên hoặc số ISSN để biết được tạp chí thuộc quartile nào (Q1, Q2, Q3 hoặc Q4). Đặc biệt lưu ý, hiện có nhiều tap chí vẫn liên tục được xếp hạng quartile (Q1, Q2, Q3 hoặc Q4) nhưng không còn thuộc danh mục scopus nữa.
3. Danh mục tạp chí ABDC
ABDC Journal Quality List là danh mục các tạp chí chất lượng của Hội đồng Trưởng khoa Kinh doanh các trường đại học Úc (Australian Business Deans Council). ABDC có 4 hạng: A*, A, B, C. Các tạp chí có hạng A* sẽ có chất lượng tốt nhất, tiếp đến là các tạp chí có hạng A, B, và cuối cùng là C.
Để kiểm tra, nhà khoa học vào link https://abdc.edu.au/abdc-journal-quality-list/, nhà khoa học có thể tải list excel về để tra cứu, hoặc tra tìm kiếm trực tuyến theo tên tạp chí hoặc số ISSN của tạp chí. Trong kết quả tìm kiếm được (nếu có), cột Rating sẽ hiển thị thứ hạng mới nhất của tạp chí.
Như đã nêu ở trên, các tạp chí thuộc danh mục ABDC không tham gia xếp hạng chỉ số IF nữa, nên không có chỉ số IF công bố hàng năm trong Journal Citation Reports.
4. Danh mục tạp chí ABS
ABS Rankings (từ 2015 trở đi còn được gọi là AJG Rankings) là một bảng xếp hạng chất lượng các tạp chí, được công bố hàng năm bởi Hiệp hội các trường đại học Kinh doanh (Chartered Association of Business Schools). ABS/AJG có 4 hạng là 4, 3, 2, 1. Các tạp chí có hạng 4 sẽ có chất lượng tốt nhất, tiếp đến là các tạp chí có hạng 3, 2, và cuối cùng là hạng Đặc biệt, trong mỗi lĩnh vực, có một vài tạp chí đạt hạng 4* là các tạp chí hàng đầu thế giới về lĩnh vực đó.
Để kiểm tra, nhà khoa học vào link https://charteredabs.org/topic/journals/, rồi click vào Academic Journal Guide (cần phải tạo tài khoản và đăng nhập), và tìm kiếm theo tên tạp chí hoặc số P-ISSN của tạp chí. Cột Rankings sẽ hiển thị thứ hạng mới nhất của tạp chí.
5. Danh mục nhà xuất bản quốc tế có uy tín
Các tạp chí được xuất bản bởi một số nhà xuất bản sau đây thường cũng sẽ là các tạp chí uy tín như: Springer; Elsevier; Wiley-Blackwell; Taylor and Francis; Sage; Oxford University Press; Cambridge University Press; Emerald; Macmillan Publishers; Inderscience Publishers; Edward Elgar Publishing; Degruyter; World Scientific….
Ngoài ra, các nhà xuất bản của 100 trường đại học hàng đầu thế giới theo xếp hạng của Times Higher Education World University Rankings (THE) do tạp chí Times Higher Education (Anh) hợp tác với Thomson Reuters bình chọn hàng năm cũng thuộc các Nhà xuất bản có uy tín.
6. Các nhà xuất bản/tạp chí “tai tiếng”, kém chất lượng
Các tạp chí giả mạo thường có các đặc điểm nhận biết như: quá trình chấp nhận bài báo nhanh chóng mà không qua quá trình kiểm định chất lượng khoa học cần thiết, yêu cầu phí xuất bản cao mà không có dịch vụ tương xứng, và sử dụng tên tuổi giả mạo của các nhà nghiên cứu nổi tiếng để tăng uy tín.
Một số nhà xuất bản/tạp chí “tai tiếng” (predatory) được cảnh báo tại https://beallslist.net/ để các Nhà khoa học cân nhắc trước khi gửi bài, tránh ảnh hưởng đến uy tín sau này.
Ngoài danh mục tạp chí “tai tiếng” được liệt kê ở hai trang web trên, hiện nay cũng có hiện tượng một số tạp chí truy cập mở (Open-Access) kém chất lượng gửi email mời chào các tác giả đăng bài với mức phí xử lý bài cao. Một số tạp chí loại này vẫn đang thuộc danh mục ISI/Scopus; nhưng trong tương lai nhiều khả năng những tạp chí này sẽ bị rút ra khỏi danh mục ISI/Scopus và bị đưa vào danh sách Beallslist.