Quy trình nghiên cứu

Quy trình nghiên cứu bao gồm một loạt các bước cần thiết để thực hiện một nghiên cứu (xem sơ đồ 1.1).

Hình 1.3 Quy trình nghiên cứu

Nói chung các bước trong quy trình nghiên cứu phải tuân theo một trình tự nhất định. Tuy nhiên quá trình nghiên cứu không phải đơn giản bắt đầu ở bước 1 và kết thúc ở bước 7 mà là một quá trình lặp đi lặp lại quy trình trên. Ví dụ: việc tìm hiểu khái niệm, lý thuyết và những nghiên cứu trước đây sẽ giúp làm rõ hơn vấn đề nghiên cứu và đôi khi bắt buộc chúng ta phải xem xét lại vấn đề nghiên cứu. Ngoài ra, các bước trong quy trình có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Ví dụ: giả thiết và đề cương của chúng ta sẽ quyết định cần phải thu thập những dữ liệu gì, thu thập nhu thế nào và cả phương pháp phân tích dữ liệu. Sau đây là mô tả khái quát về các bước trong quy trình nghiên cứu.

1.Bước 1 – Xác định vấn đề

Có 2 loại vấn đề nghiên cứu: nghiên cứu một tình trạng thực tế nào đó hay nghiên cứu mối liên hệ giữa các biến số. Đầu tiên, người nghiên cứu phải xác định được lĩnh vực nghiên cứu mà anh ta quan tâm, từ đó thu hẹp lại thành một vấn đề nghiên cứu cụ thể. Đây là một bước hết sức quan trọng, đòi hỏi nhà nghiên cứu phải am hiểu vấn đề nghiên cứu và những khái niệm liên quan. Do vậy nhà nghiên cứu cũng phải đồng thời thực hiện bước thứ 2: tìm hiểu các khái niệm, lý thuyết và những nghiên cứu trước đây về những vấn đề tương tự để làm rõ thêm vấn đề nghiên cứu. Công việc này có thể phải lặp đi lặp lại nhiều lần, sau mỗi lần thì vấn đề nghiên cứu trở nên cụ thể hơn. Và kết thúc giai đoạn này chúng ta sẽ có được một vấn đề nghiên cứu rõ ràng, cụ thể và khả thi.

Cần lưu ý rằng việc xác định vấn đề nghiên cứu sẽ quyết định loại số liệu cần thu thập, những mối liên hệ cần phân tích, loại kỹ thuật phân tích dữ liệu thích hợp và hình thức của báo cáo cuối cùng.

2. Bước 2 – Tìm hiểu các khái niệm, lý thuyết và các nghiên cứu liên quan

Bước này đòi hỏi chúng ta phải tóm tắt lại tất cả những lý thuyết và nghiên cứu trước đây có liên quan có thể giúp chúng ta giải quyết vấn đề nghiên cứu. Cần nhớ rằng ở bước 1, chúng ta có thể phải đọc rất nhiều lý thuyết để làm rõ vấn đề nghiên cứu. Nhưng ở bước thứ 2, khi vấn đề nghiên cứu đã được xác định rõ, chúng ta chỉ sử dụng những lý thuyết thật sự liên quan và phù hợp có thể giúp giải quyết vấn đề nghiên cứu. Thư viện Khoa Kinh tế Phát triển có rất nhiều sách hay về mọi lĩnh vực của  kinh  tế phát triển, nhưng hầu hết là sách tiếng Anh. Do vậy, chúng ta cần chuẩn bị một vốn tiếng Anh đủ để đọc các loại sách này.

3. Bước 3 – Hình thành giả thiết

Sau khi xác định vấn đề nghiên cứu và tìm hiểu lý thuyết, chúng ta phải xây dựng một giả thiết nghiên cứu. Giả thiết nghiên cứu là một giả định của chúng ta, được xây dựng trên cơ sở của vấn đề nghiên cứu và những lý thuyết liên quan, để thông qua nghiên cứu có thể kiểm định tính hợp lý hoặc những hệ quả của nó. Đây là một bước quan trọng vì nó sẽ giúp chúng ta xác định tiêu điểm của vấn đề nghiên cứu. Nghĩa là mọi công việc trong quá trình nghiên cứu tiếp theo sẽ xoay quanh vấn đề này. Và mục đích của cả quá trình nghiên cứu sẽ là kiểm định tính hợp lý của giả thiết. Chúng ta có thể thực hiện những công việc sau đây để xây dựng giả thiết:

  • Thảo luận với bạn bè, đồng nghiệp và các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu về vấn đề nghiên cứu, nguồn gốc của nó và mục tiêu cụ thể của việc tìm ra lời giải đáp.
  • Khảo sát những thông tin, dữ liệu sẵn có về vấn đề nghiên cứu.
  • Khảo sát những nghiên cứu trước đây về những vấn đề liên quan, hoặc những nghiên cứu tương tự đã được thực hiện ở những địa phương/quốc gia khác.
  • Thông qua quan sát và phán đoán của riêng chúng ta về vấn đề nghiên cứu, hoặc qua việc lấy ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu.

a. Tiên đề (Propositions) và Giả thiết (Hypotheses)

Ta định nghĩa Tiên đề là một phát biểu về một hiện tượng quan sát được mà hiện tượng này có thể được phán xét là dung hay sai. Khi một định đề được viết lại nhằm mục tiêu kiểm định, ta gọi đó là giả thiết.

b. Các loại giả thiết

Giả thiết mô tả (Descriptive Hypotheses) phát biểu về sự tồn tại, kích thước, dạng hình, hoặc phân phối của một biến nào đó.  Thường các  giả  thiết mô  tả  được chuyển thành dạng câu hỏi nghiên cứu (research question). Ví dụ:

Giả thiết quan hệ (Relational Hypotheses) là các phát biểu mô tả quan hệ giữa hai biến ở một số trường hợp.

Giả thiết tương quan (Correlational hypotheses) phát biểu rằng một số biến xuất hiệhn cùng với nhau theo một cách nào đó nhưng không có nghĩa là biến này là nguyên nhân của biến kia. Ví dụ:

– Phụ nữ trẻ (dưới 35 tuổi) mua sản phẩm của Công ty chúng ta ít hơn là phụ nữ ở độ tuổi 35.

  • Số lượng bộ trang phục bán ra thay đổi theo chu kỳ kinh doanh.

Giả thiết giải thích (nguyên nhân) (Explanatory causal hypotheses) cho phép ám chỉ rằng sự hiện diện hoặc thay đổi của một biến gây ra hoặc dẫn đến sự thay đổi của một biến khác. Biến nguyên nhân được gọi là biến độc lập (independent variable – IV) và biến còn lại gọi là biến phụ thuộc (dependent variable – DV). Ví dụ:

  • Một sự gia tăng về thu nhập của hộ gia đình (IV) dẫn đến một sự gia tăng về tỷ lệ tiền thu nhập tiết kiệm được (DV).
  • Tính minh bạch của chính sách của một địa phương (IV) sẽ tạo ra niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp (DV) đối với địa phương đó.

Vai trò của Giả thiết

Trong nghiên cứu, một giả thiết đóng một số vai trò quan trọng:

  • Hướng dẫn, định hướng nghiên cứu.
  • Xác minh các sự kiện nào là phù hợp, và không phù hợp với nghiên cứu.
  • Đề xuất các dạng nghiên cứu thích hợp nhất.
  • Cung cấp khung sườn để định ra các kết luận về kết quả nghiên cứu.

Như thế nào là một Giả thiết mạnh? Một giả thiết mạnh thỏa mãn đầy đủ ba điều kiện:

  • Phù hợp với mục tiêu của nó
  • Có thể kiểm định được
  • Tốt hơn các giả thiết cạnh tranh khác

4. Bước 4 – Xây dựng đề cương nghiên cứu

Đây không đơn giản chỉ là những chương mục sẽ có trong báo cáo cuối cùng, mà là một “nghiên cứu khả thi” của dự án nghiên cứu của chúng ta. Đề cương nghiên cứu sẽ trình bày kết quả các bước chúng ta đã đạt được – bao gồm trình bày vấn đề nghiên cứu, các lý thuyết liên quan và giả thiết nghiên cứu, đồng thời trình bày kế hoạch tiếp theo để giải quyết vấn đề nghiên cứu. Một đề cương nghiên cứu thông thường bao gồm:

  • Đặt vấn đề.
  • Trình bày những khái niệm, lý thuyết và nghiên cứu liên quan.
  • Giả thiết nghiên cứu.
  • Khung phân tích: từ các khái niệm và lý thuyết liên quan, tìm ra các biến số thực tế tương ứng để kiểm định giả thiết.
  • Phương pháp nghiên cứu
  • Kỹ thuật thu thập và phân tích số liệu: cách thức để thu thập số liệu về các biến số đã xác định, chú ý đơn vị thu thập số liệu (cá nhân, hộ gia đình hay doanh nghiệp) và phạm vi thu thập số liệu (địa phương, tỉnh, vùng hay quốc gia). Nếu là số liệu sơ cấp thì cần thiết kế bảng câu hỏi và cách chọn mẫu. Từ tính chất của số liệu thu thập, người nghiên cứu phải xác định kỹ thuật phân tích số liệu thích hợp để kiểm định được giả thiết nghiên cứu hoặc tìm ra câu trả lời cho vấn đề nghiên cứu, và những kiểm định nhằm bảo đảm độ tin cậy của kết quả nghiên cứu.
  • Trình bày cấu trúc dự kiến của báo cáo cuối cùng, bao gồm các chương mục. Đây chỉ là dự kiến và có thể thay đổi trong quá trình thực hiện.
  • Lịch trình dự kiến: trình bày các bước tiếp theo cần phải thực hiện để hoàn thành nghiên cứu và thời gian cần thiết để thực hiện.
  • Giới thiệu người tiến hành nghiên cứu, có thể là cá nhân hoặc nhóm, tóm tắt tiểu sử và quá trình học tập nghiên cứu. Trong luận văn tốt nghiệp ở bậc Đại học, có thể bỏ qua khâu này.
  • Tài liệu tham khảo,   bao  gồm những  tài   liệu  đã  sử  dụng để xây   dựng đề cương nghiên    cứu và  những tài  liệu  đề nghị  tham  khảo tiếp  theo cho quá trình nghiên cứu.
  • Phụ lục (nếu có).

Sau khi đề cương nghiên cứu được chấp thuận (điều này có thể đòi hỏi người nghiên cứu phải sửa đi sửa  lại  đề cương  nghiên  cứu  nhiều lần), bước  tiếp theo là  tiến hành nghiên cứu theo kế hoạch đã được vạch ra trong đề cương nghiên cứu. Bước tiếp theo sẽ là thu thập số liệu và phân tích số liệu. Lưu ý rằng trong quá trình này, người nghiên cứu vẫn phải tiếp tục tham khảo thêm các tài liệu liên quan để tiếp tục điều chỉnh các bước tiếp theo và nhằm chuẩn bị cho việc viết báo cáo cuối cùng.

5. Bước 5 – Thu thập dữ liệu

Tùy vào vấn đề nghiên cứu mà chúng ta sẽ phải thu thập loại dữ liệu thích hợp. Nói chung có 2 loại dữ liệu: thứ cấp và sơ cấp. Số liệu sơ cấp là số liệu được thu thập trực tiếp từ đối tượng nghiên cứu. Số liệu thứ cấp là số liệu tổng hợp từ số liệu sơ cấp.

Đối với số liệu thứ cấp, tùy vào lĩnh vực nghiên cứu mà chúng ta sẽ phải tìm nguồn cung cấp thích hợp. Thông thường là các niên giám thống kê, số liệu tổng hợp của các ngành và số liệu tổng hợp của các cơ quan chức năng.

Số liệu sơ cấp phải được thu thập trực tiếp từ đối tượng nghiên cứu thông qua bảng câu hỏi. Có thể thu thập bằng cách:

  • Tự quan sát các hiện tượng.
  • Thông qua phỏng vấn lấy ý kiến cá nhân.
  • Phỏng vấn theo bảng câu hỏi. Có nhiều hình thức: phỏng vấn qua điện thoại, qua thư hoặc phỏng vấn trực tiếp. Đây là một quy trình phức tạp và tốn kém đòi hỏi phải có sự chuẩn bị cẩn thận.

Cần lưu ý rằng khi xác định vấn đề nghiên cứu, chúng ta phải cân nhắc trước về khả năng thu thập được số liệu cần thiết. Vấn đề nghiên cứu có thể rất hay và có ý nghĩa, nhưng nếu chúng ta không có khả năng thu thập được số liệu cần thiết thì nghiên cứu của chúng ta sẽ không khả thi. Và điều này là khá phổ biến trong điều kiện hiện nay.

6. Bước 6 – Phân tích dữ liệu

Tùy vào loại dữ liệu và giả thiết nghiên cứu mà chúng ta phải lựa chọn kỹ thuật phân tích dữ liệu thích hợp. Có thể là phân tích mô tả hoặc phân tích định lượng. Thông thường công việc này sẽ đòi hỏi chúng ta phải có những kỹ năng về thống kê và kinh tế lượng.

7. Bước 7 – Giải thích kết quả và viết báo cáo cuối cùng

Từ kết quả phân tích số liệu, chúng ta phải giải thích ý nghĩa của nó về mặt kinh tế. những câu hỏi cần phải trả lời là: Kết quả phân tích kết luận như thế nào về giả thiết nghiên cứu? Ý nghĩa của nó đối với vấn đề nghiên cứu? Ở đây chúng ta cần phải làm rõ ý nghĩa về mặt học thuật và ý nghĩa thực tiễn. Chúng ta phải tự hỏi: nghiên cứu của chúng ta có giá trị gì đối với những người nghiên cứu tiếp theo không? Nó có giúp những nhà hoạt động thực tiễn cải thiện được gì về vấn đề mà chúng ta nghiên cứu không?

Viết báo cáo cuối cùng là một công việc không quá khó khăn, nhưng đòi hỏi sự kiên trì. Nói chung báo cáo cuối cùng sẽ theo cấu trúc mà chúng ta đã đề nghị trong đề cương nghiên cứu. Tuy nhiên cũng không nhất thiết phải tuân thủ nghiêm ngặt. Chúng ta có thể thay đổi miễn sao nêu bật được:

  • Vấn đề nghiên cứu
  • Cơ sở khái niệm và lý thuyết của vấn đề
  • Khung phân tích
  • Phương pháp nghiên cứu
  • Kết quả phân tích và giải thích kết quả phân tích số liệu

Kết luận, đề xuất, ý nghĩa thực tiễn của nghiên cứu