1. Khái niệm điều tra chọn mẫu:
Điều tra chọn mẫu là loại điều tra không toàn bộ, trong đó người ta chọn một cách ngẫu nhiên một số đủ lớn đơn vị đại diện trong toàn bộ các đơn vị của tổng thể để điều tra rồi dùng kết quả thu thập được tính toán, suy rộng thành các đặc điểm của toàn bộ tổng thể. Ví dụ: để có năng suất và sản lượng lúa của một địa bàn điều tra nào đó người ta chỉ tiến hành thu thập số liệu về năng suất và sản lượng lúa thu trên diện tích của một số hộ gia đình được chọn vào mẫu của huyện để điều tra thực tế, sau đó dùng kết quả thu được tính toán và suy rộng cho năng suất và sản lượng lúa của toàn huyện.
Điều tra chọn mẫu được ứng dụng rất rộng rãi trong thống kê kinh tế – xã hội như: Điều tra năng suất, sản lượng lúa; Điều tra lao động – việc làm; Điều tra thu nhập, chi tiêu của hộ gia đình; Điều tra động thường xuyên dân số; Điều tra chất lượng sản phẩm công nghiệp.
Ngoài ra, trong tự nhiên, trong đời sống sinh hoạt của con người, trong y học, v.v… chúng ta cũng đã gặp rất nhiều ví dụ thực tế đã áp dụng điều tra chọn mẫu; chẳng hạn: Khi đo lượng nước mưa của một khu vực nào đó người ta chỉ chọn ra một số điểm trong khu vực và đặt các ống nghiệm để đo lượng nước mưa qua các trận mưa trong từng tháng và cả năm, sau đó dựa vào kết quả nước mưa đo được từ mẫu là các ống nghiệm để tính toán suy rộng về lượng nước trung bình các tháng và cả năm cho cả khu vực; khi nghiên cứu ảnh hưởng của hút thuốc lá đối với sức khoẻ con người, người ta chọn ra một số lượng cần thiết người hút thuốc lá để kiểm tra sức khoẻ và dùng kết quả kiểm tra từ một số người đó để kết luận về ảnh hưởng của hút thuốc lá tới sức khoẻ cộng đồng, v.v…
2. Ưu điểm của điều tra chọn mẫu:
Do chỉ tiến hành điều tra trên một bộ phận đơn vị mẫu trong tổng thể nên điều tra chọn mẫu có những ưu điểm sau:
- Tiến hành điều tra nhanh gọn, bảo đảm tính kịp thời của số liệu thống kê.
- Tiết kiệm nhân lực và kinh phí trong quá trình điều tra.
- Cho phép thu thập được nhiều chỉ tiêu thống kê, đặc biệt đối với các chỉ tiêu có nội dung phức tạp, không có điều kiện điều tra ở diện rộng. Nhờ đó kết quả điều tra thu được sẽ phản ánh được nhiều mặt, cho phép nghiên cứu các mối quan hệ cần thiết của hiện tượng nghiên cứu.
- Làm giảm sai số phi chọn mẫu như: sai số do công cụ đo lường, tính trung thực và trình độ của phỏng vấn viên, dữ liệu biến động,…. Trong thực tế công tác thống kê sai số phi chọn mẫu luôn luôn tồn tại và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng số liệu thống kê, nhất là các chỉ tiêu có nội dung phức tạp, việc tiếp cận để thu thập số liệu khó khăn, tốn nhiều thời gian trong quá trình phỏng vấn, ghi chép và đặc biệt hơn là đối với các chỉ tiêu điều tra không có sẵn thông tin mà đòi hỏi phải hồi tưởng để nhớ lại. Đối với những loại thông tin như trên, chỉ có tiến hành điều tra mẫu mới có điều kiện tuyển chọn điều tra viên tốt hơn; hướng dẫn nghiệp vụ kỹ hơn, thời gian dành cho một đơn vị điều tra nhiều hơn, tạo điều kiện cho các đối tượng cung cấp thông tin trả lời chính xác hơn, tức là làm cho sai số phi chọn mẫu ít hơn.
- Cho phép nghiên cứu các hiện tượng kinh tế – xã hội, môi trường… không thể tiến hành theo phương pháp điều tra toàn bộ: Ví dụ như nghiên cứu trữ lượng khoáng sản, thuỷ sản, kiểm tra phá huỷ,.
3. Hạn chế của điều tra chọn mẫu :
- Do điều tra chọn mẫu chỉ tiến hành thu thập số liệu trên một số đơn vị, sau đó dùng kết quả để suy rộng cho toàn bộ tổng thể nên kết quả điều tra chọn mẫu luôn tồn tại sai số ta gọi đó là sai số chọn mẫu – Sai số do tính đại diện. Sai số chọn mẫu phụ thuộc vào độ đồng đều của chỉ tiêu nghiên cứu, vào cỡ mẫu và phương pháp tổ chức chọn mẫu. Có thể làm giảm sai số chọn mẫu bằng cách tăng cỡ mẫu ở phạm vi cho phép và lựa chọn phương pháp tổ chức chọn mẫu thích hợp nhất.
- Kết quả điều tra chọn mẫu không thể tiến hành phân nhỏ theo mọi phạm vi và tiêu thức nghiên cứu như điều tra toàn bộ, mà chỉ thực hiện được ở mức độ nhất định tuỳ thuộc vào cỡ mẫu, phương pháp tổ chức chọn mẫu và độ đồng đều giữa các đơn vị theo các chỉ tiêu được điều tra.
4. Điều kiện vận dụng của điều tra chọn mẫu:
Điều tra chọn mẫu thường được vận dụng trong các trường hợp sau:
- Thay thế cho điều tra toàn bộ trong những trường hợp quy mô điều tra lớn, nội dung điều tra cần thu thập nhiều chỉ tiêu, thực tế ta không đủ kinh phí và nhân lực để tiến hành điều tra toàn bộ, hơn nữa nếu điều tra toàn bộ sẽ mất quá nhiều thời gian, không đảm bảo tính kịp thời của số liệu thống kê như điều tra thu nhập, chi tiêu hộ gia đình, điều tra năng suất, sản lượng lúa, điều tra vốn đầu tư của các đơn vị ngoài quốc doanh…; hoặc không tiến hành được điều tra toàn bộ vì không thể xác định được tổng thể như điều tra đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường nước của một số sông, hồ nào đó,.
- Quá trình điều tra gắn liền với việc phá huỷ sản phẩm như điều tra đánh giá chất lượng thịt hộp, cá hộp, y tá lấy máu của bệnh nhân để xét nghiệm, v.v… Các trường hợp trên đây
nếu điều tra toàn bộ thì sau khi điều tra toàn bộ sản phẩm sản xuất ra có thể làm tăng chỉ phí và giảm chất lượng hàng hoá hoặc lượng máu có trong cơ thể của bệnh nhân sẽ bị phá huỷ hoàn toàn. Đây là điều khó cho phép thực hiện trong thực tế. - Để thu thập những thông tin tiên nghiệm trong những trường hợp cần thiết nhằm phục vụ cho yêu cầu của điều tra toàn bộ. Ví dụ: để thăm dò mức độ tín nhiệm của các ứng cử viên vào một chức vị nào đó thì chỉ có thể điều tra chọn mẫu ở một lượng cử tri nhất định và phải được tiến hành trước khi bầu cử chính thức thì mới có ý nghĩa.
- Thu thập số liệu để kiểm tra, đánh giá và chỉnh lý số liệu của điều tra toàn bộ. Trong thực tế có những cuộc điều tra toàn bộ có quy mô lớn hoặc điều tra rất phức tạp như Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở, Tổng Điều tra Nông thôn, Nông nghiệp và Thuỷ sản… thì sai số do khai báo, thu thập thông tin thường xuyên tồn tại và ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng số liệu. Vì vậy cần có điều tra chọn mẫu với quy mô nhỏ hơn để xác định mức độ sai số này, trên cơ sở đó tiến hành đánh giá độ tin cậy của số liệu và nếu ở mức độ cần thiết có thể phải chỉnh lý lại số liệu thu được từ điều tra toàn bộ.